Đánh giá về Gichin Funakoshi Funakoshi Gichin

nhỏ|Funakoshi GichinTuy nhiên, ông vẫn bị nhiều học giả và sử gia Nhật Bản đánh giá là quá “mềm yếu” trong quá trình xây dựng và truyền bá môn karate, họ cho rằng nếu môn karate chỉ là sự lập lại nhàm chán của các bài kata thì có khác gì những điệu múa cung đình mang đầy nữ tính, chỉ cốt làm đẹp mắt chứ không thật sự là một môn nghệ thuật chiến đấu như người dân Okinawa đã từng tự hào. Hiên ngang đứng trước mọi sự chỉ trích, chấp nhận tranh luận trong tinh thần lễ giáo nhưng ông vẫn luôn khiêm tốn, nhún nhường đi theo con đường đã vạch sẵn với những người chia sẻ chung quan điểm của mình. Có lẽ trong suốt quá trình giao lưu giữa hòn đảo Okinawa và đất liền Nhật Bản, ông là người được lòng tất cả mọi người với một tinh thần mang đậm nét: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thị chi vị đại trượng phu” (Phú quý không làm cho dâm dật, nghèo nàn không làm cho thay đổi, uy vũ không làm cho khuất phục, đó gọi là đại trượng phu). Khi nói đến Karate người ta xem Gichin Funakoshi như là một hình tượng cao nhất có công đem karate vào kho tàng văn hoá của Nhật, tương đương với thiền đạo, trà đạo v.v.. Nhắc đến Funakoshi người Nhật thường truyền miệng một câu chuyện về ông như sau: Trong lúc giảng về võ đạo cho một số võ sinh của mình tại đạo đường về lối sống khiêm tốn, một học trò của ông đặt câu hỏi với ông là: “Thưa thầy, một kẻ khiêm tốn với một kẻ tầm thường khác nhau như thế nào?” Không cần suy nghĩ, Funakoshi Gichin đáp ngay: “Rất đơn giản con ạ! Người tầm thường sau bao năm tập luyện, ngày đầu tiên được thăng lên nhất đẳng, anh ta la lớn cho mọi người biết và mọi người ở nhà biết anh ta vừa lên nhất đẳng trước khi anh ta về đến cổng nhà; ngày thăng nhị đẳng, anh ta sẽ bắc thang leo lên mái nhà và hô to cho mọi người trong xóm biết tin mừng của mình; ngày thăng lên tam đẳng, anh ta sẽ nhảy lên bất cứ chiếc xe nào gần nhất, vừa chạy vừa la inh ỏi cho khắp thành phố biết tin quan trọng nhất đời anh… Con à! Ngược lại với tinh thần đó là tâm linh của một người khiêm tốn; khi được nhất đẳng, anh ta sẽ cuối đầu với thái độ biết ơn với mọi người xung quanh; lúc lên nhị đẳng, anh ta sẽ cuối đầu thấp hơn với mọi người; khi lên tam đẳng, anh ta cuối đầu thấp tới thắt lưng và yên lặng vui vẻ đi bộ về nhà dọc theo bức tường của con phố để không ai thấy và chú ý đến anh… Khi đến 9 đẳng anh sẽ trở thành một người không hề biết một đòn karate và tuyệt đối đứng ngoài mọi tranh chấp của karate”. Với tấm lòng sống và trung thành với lý tưởng của Karate, sống thanh đạm, nghiêm khắc với chính bản thân mình, xem thường danh vọng, không đặt nặng vấn đề tranh chấp, danh vọng trong võ thuật nên những ý tưởng thi đấu, tổ chức tranh giải đối với ông không hề được ông cho là quan trọng. Ông chú tâm rèn luyện con người ngày một hoàn hảo, biết phân biệt đâu là ân để đáp đền, oán thù để mau tháo gỡ, với lối sống như vậy suốt một đời cho đến khi ra đi vào tuổi 88.

Sự khiêm tốn của Gichin còn thể hiện qua câu chuyện xảy ra vài năm sau khi Nhật Bản bại trận vào cuối thế chiến thứ 2. Năm đó, Gichin "mới có 80 tuổi", phong độ dồi dào, cử chỉ nhanh nhẹn. Ông lên chuyến xe lửa cuối cùng về lại Tokyo sau khi dự đêm thơ ở Tamayawa. Vào thời đó Tokyo vẫn hoang tàn, đổ nát, nếu đi một mình vào giờ đó quả là không an toàn một chút nào. Tuy nhiên, Funakoshi Gichin nghĩ là không ai thèm làm khó dễ một ông già 80 ăn mặc dung dị, dáng dấp từ tốn, khoan thai. Từ nhà ga Otsuka, Tổ Sư Funakoshi Gichin đi bộ về nhà cách đó khá xa. Đột nhiên có một người đàn ông mặc đồ đen xuất hiện từ đằng sau một cabin điện thoại công cộng. Y vỗ vào dù của Tổ Sư: "Này, ông bạn già!". Tổ sư tưởng gặp một người bạn hay một người quen, bèn lùi lại và giở nón chào. Một thoáng ngỡ ngàng. Tên đàn ông nói tiếp: "Ông nội có thuốc lá không đấy?". Funakoshi Gichin chợt hiểu mình đang chạm trán với một tên bụi đời hay một tên lưu manh mới vào nghề: "Tôi không hút thuốc". Đêm hôm đó, tất cả đồ đạc mà Funakoshi mang

theo chỉ vỏn vẹn có một cái tay nải, trong đó chỉ có mấy cuốn sách và một hộp cơm đã hết nhẵn. Tên côn đồ nói tiếp: "Thôi đi ông nội, đừng có phịa. Chắc là trong tay nải có thuốc lá đấy". Vị võ sư già không nổi giận. Ông ôn tồn trả lời: "Tôi đã bảo là tôi không hút thuốc. Thôi, xin ông để tôi đi". Tên kia gạt phăng, vẻ hăm dọa: "Dẹp đi. Đưa tay nải ra xem". "Chả có gì đáng giá cả đâu". "Ôi, khỏi nói nhiều". Y giật cây dù của Funakoshi và trợn mắt nhìn ông như thể sắp ra tay. Tư thế của tên lang thang quá hở, nên khi y vừa dùng dù để tấn công, Funakoshi Gichin đã lách mình qua cây dù và dùng tay phải bóp mạnh vào hạ bộ của y. Chắc hẳn cơn đau rất khốc liệt, và cây dù rơi xuống đất trong khi gã côn đồ thét lên và gập người có vẻ như sắp bất tỉnh. Ngay lúc đó, đội tuần tra xuất hiện. Tổ sư môn phái Karatedo tiếp tục đi về nhà, để mặc tên lưu manh cho toán cảnh sát xử lý. Funakoshi hồi tưởng: “Về nghĩ lại, tôi cho tên côn đồ đó chẳng qua cũng là một người lính giải ngũ thất nghiệp lang thang và đã bốc đồng làm bậy. Còn tôi, trong lúc nhất thời, tôi đã bất đồ xuất thủ làm một việc mà tôi vẫn tuyệt đối cấm các đệ tử mình. Thật là đáng xấu hổ”.

Trích trong lời đề tựa cuốn sách "Karate- Do: Lối sống của tôi" (Karate-Do: My Way of Life) của Funakoshi Gichin, Genshin Hironishi chủ tịch Japan Karate-Do Shoto-Kai có viết:

"[...]Có vô số giai thoại thú vị về người đàn ông phi thường này, nhiều trong số đó được ông kể lại về chính mình trong các trang tiếp theo. Một số có lẽ bây giờ đã trôi dạt vào cõi huyền thoại, và một số Funakoshi không buồn kể vì chúng đã quá rõ ràng trong cách sống của ông đến nỗi chính ông cũng khó nhận ra chúng. Ông không bao giờ đi chệch khỏi lối sống của mình, là lối đi của samurai. Có lẽ với người Nhật trẻ tuổi sau chiến tranh, gần như với độc giả nước ngoài, Funakoshi sẽ nổi lên như một kẻ lập dị, nhưng anh ta chỉ đơn thuần tuân thủ quy tắc đạo đức của tổ tiên mình, một quy tắc tồn tại thậm chí từ lâu trước khi có lịch sử ở Okinawa.

Ông quan sát những điều cấm kỵ lâu đời. Ví dụ, với một người trong tầng lớp của ông, nhà bếp là một cấm địa, và Funakoshi, theo như tôi biết, không bao giờ xâm phạm nó. Ông cũng không bao giờ thốt ra tên của những vật phẩm trần tục như tất hay giấy vệ sinh, bởi - một lần nữa, như quy tắc mà ông tuân thủ rất chặt chẽ - những thứ này có liên quan đến những điều được coi là không phù hợp hoặc không đứng đắn.

Đối với những người chúng ta, ông là một bậc thầy vĩ đại và đáng kính, nhưng tôi e rằng trong mắt của cháu trai nhỏ Ichiro (hiện là một đại tá trong Lực lượng Phòng vệ Không quân), ông chỉ là một lão già bướng bỉnh. Tôi nhớ lại khi Funakoshi thấy một đôi tất nằm trên sàn nhà. Ra dấu với Ichiro, ông bảo, “Bỏ mấy cái đó ra!”

“Nhưng cháu không hiểu,” Ichiro nói trong vẻ ngây thơ vô cùng. “Ông bảo “mấy cái đó” là ý gì ạ?”

“Đúng rồi,” Funakoshi đáp, “Mấy cái đó, đó!”

“Cái đó, cái đó!” Ichiro vặn vẹo. “Ông không biết “mấy cái đó” gọi là gì ạ?””

“Ông bảo là bỏ mấy cái đó ra ngay lập tức!” Funakoshi lặp lại, và Ichiro buộc phải thừa nhận bại trận. Cái bẫy nhỏ của cậu đã thất bại; ông của cậu vẫn kiên quyết từ chối, mà ông đã dành cả cuộc đời để thốt ra từ “tất”.[...]".

Cả cuộc đời cống hiến cho karate, không thể phủ nhận rằng, Funakoshi là cha đẻ của karate hiện đại và nền karate quốc tế, xứng đáng là một người thầy vĩ đại của những người thầy.